Sáng ngày 28/03/2018, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Đại hội đã thông qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2018; phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 và kế hoạch lợi nhuận, phương án phân phối lợi nhuận năm 2018; miễn nhiệm và bầu bổ sung 01 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại, năm 2017 là năm SCB ghi nhận nhiều kết quả tích cực trên các mảng hoạt động, chuẩn bị tiền đề sẵn sàng cho sự bứt phá mạnh mẽ sau giai đoạn tái cơ cấu (2015 – 2019).
Kết quả 2017 khả quan, chỉ tiêu lợi nhuận 2018 tăng trưởng 37%
Về kết quả hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2017, cơ bản SCB đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm và các mục tiêu tái cơ cấu theo lộ trình đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, củng cố nền tảng vững chắc, chuẩn bị cho sự phát triển ổn định và bền vững trong những năm tiếp theo. Cụ thể, đến 31/12/2017, SCB có tổng tài sản 444.031 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017 và nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu. Huy động vốn và cho vay khách hàng của SCB tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số, với huy động vốn thị trường 1 tăng 17,1% lên 353.327 tỷ đồng và dư nợ cho vay tăng 20% đạt mức 264.151 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của SCB năm 2017 đạt 164 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng được duy trì ở mức thấp, lần lượt là 0,45% và 0,63% vào cuối năm 2017. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 9,83%, cao hơn mức quy định 9% của NHNN.
Năm 2018, SCB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 224 tỷ đồng, tăng 36,8% so với năm 2017; tổng tài sản tăng 9,7% đạt 487.043 tỷ đồng; huy động tăng 18,4% đạt 418.278 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 17,8% đạt 311.204 tỷ đồng.
Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại, SCB nhắm tới mục tiêu nâng số lượng khách hàng cá nhân lên 2 triệu khách hàng trong năm 2020. Chính vì vậy, năm 2018 được xem là bước đệm để ngân hàng phát triển mạng lưới khách hàng với kế hoạch tăng trưởng 300.000 khách hàng trong năm.
Tăng thu ngoài lãi, giảm phụ thuộc tín dụng
Với định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, SCB đã nỗ lực phát triển các mảng hoạt động phi tín dụng trong những năm gần đây như phát triển mảng ngân hàng điện tử, hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm, chứng chỉ quỹ, phát triển các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại... Năm 2017, thu nhập ngoài lãi có mức tăng trưởng mạnh mẽ, 127% so với năm 2016, và đóng góp đến 57% tổng thu nhập từ hoạt động. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 871 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của SCB và có mức tăng trưởng 54% so với năm 2016.
Mở rộng mạng lưới hoạt động, tăng cường đội ngũ nhân sự
Năm 2017, SCB đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập mới 2 chi nhánh và 9 phòng giao dịch, giúp mạng lưới hoạt động mở rộng lên 239 điểm trên 28 tỉnh, thành trên cả nước. Trong ba tháng đầu năm 2018, SCB đã đưa vào hoạt động 2 chi nhánh và 3 phòng giao dịch mới với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Bên cạnh đó, các công tác về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ thông tin đều được chú trọng và đạt kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, năm 2017, SCB đã tuyển dụng hơn 1.000 nhân sự mới, nâng số lượng nhân viên lên 5.400 người với tỷ lệ nhân sự kinh doanh là 41% vào cuối năm 2017.
Đầu tư mạnh mẽ công nghệ thông tin, bảo mật
SCB đã cùng Oracle triển khai dự án nâng cấp hệ thống Core Banking và Digital Banking nhằm mang lại những trải nghiệm và tiện ích giao dịch đa dạng cho khách hàng. Điều này cũng phù hợp với chiến lược chuyển dịch mục tiêu kinh doanh của ngân hàng sang lực lượng khách hàng trẻ hơn trong khi vẫn tiếp tục duy trì phân khúc khách hàng trung niên cao tuổi, là nền tảng hoạt động của SCB trong nhiều năm qua.
Năm 2017, SCB cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng chỉ bảo mật PCI DSS phiên bản 3.2, phiên bản mới nhất với nhiều điều kiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn về an ninh, bảo mật trong lĩnh vực phát hành và chấp nhận thẻ thanh toán, được thiết lập bởi Hội đồng Tiêu chuẩn bảo mật thẻ thanh toán quốc tế. Tiêu chuẩn này được đánh giá lại hàng năm. Đầu năm 2018, SCB vừa nhận được chứng nhận đạt tiêu chuẩn PCI DSS cho năm thứ hai liên tiếp từ Tổ chức đánh giá quốc tế ControlCase.
Từ những nhận định về triển vọng kinh tế năm 2018, trên cở sở tiếp tục thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 - 2019 đã được NHNN phê duyệt, SCB đã trình Đại hội thông qua các mục tiêu hoạt động trong năm 2018: chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi; đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng cá nhân; kiện toàn kết cấu tổ chức và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng; phát triển công nghệ ngân hàng hướng đến khách hàng và tối ưu hóa vận hành; xây dựng và nâng cao văn hóa SCB; đồng thời tiếp cận phương thức quản trị rủi ro theo định hướng Basel II.
Trả lời về vấn đề chia cổ tức cho cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB, đã chia sẻ “SCB đã thực hiện các chính sách chi trả cổ tức theo đúng phê duyệt của NHNN trong từng thời kỳ. Giai đoạn vừa qua SCB đã thực hiện quá trình tái cơ cấu theo kế hoạch đã được NHNN phê duyệt nên toàn bộ lợi nhuận giữ lại đều được ngân hàng dùng để bổ sung vào vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, năng lực vốn cho ngân hàng. Nhờ vậy, SCB có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu hàng năm và kết quả kinh doanh đang có những chuyển biến rõ rệt qua từng năm. Đối với phần lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, đây vẫn là các khoản tích lũy cho hoạt động của ngân hàng, cho các cổ đông. Đến thời điểm này, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã đạt 6.375 tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC là 3.492 tỷ đồng. Các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của Ngân hàng. Khoản dự phòng nói trên có thể xem là của để dành lớn cho SCB, là tích tụ tài chính tốt cho ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu. Do vậy, cổ đông có thể tin tưởng vào sự bứt phá của SCB sau năm 2019”.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM cho biết NHNN biểu dương tinh thần xây dựng, ý kiến đóng góp chân thành và mang tính trách nhiệm từ phía cổ đông ngân hàng SCB. “Hiện nay, đối với ngân hàng, cổ tức không phải là vấn đề quan trọng đặt lên hàng đầu mà định hướng hoạt động trong tương lai của ngân hàng mới là yếu tố quan trọng nhất. Năm 2017 SCB chủ trương chia lợi nhuận bằng cổ tức, điều này phù hợp với định hướng và quy định của NHNN đối với các tổ chức tính dụng, vì vừa đảm bảo có cổ tức vừa giúp tăng năng lực vốn cho ngân hàng”, ông Dũng nói.
Nhìn lại chặng đường phát triển, đại diện NHNN đánh giá SCB đã có định hướng và những bước đi ổn định, bền vững. Năm 2017 là năm thứ ba trong giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu 2015-2019, NHNN ghi nhận hoạt động kinh doanh của SCB đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là xử lý tốt nợ xấu, duy trì dưới 1% và trích lập dự phòng lớn. Xét về tổng thể, an toàn hệ thống của SCB năm 2017 vững hơn năm 2016.
Kết thúc đại hội, đại diện NHNN cũng chỉ đạo, mặc dù SCB vẫn đang duy trì được mức tăng trưởng phù hợp với mục tiêu NHNN đề ra, nhưng trong thời gian tới Ban Lãnh đạo vẫn cần quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động, xây dựng lộ trình giải pháp cụ thể, quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ 2018; phải nhận diện được rủi ro, kiểm soát dòng tiền, đảm bảo thu hồi nợ; theo dõi, xử lý tồn tại, chấn chỉnh và khắc phục các vấn đề theo kiến nghị của kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước; hoàn tất việc thực hiện thủ tục Basel II; tăng cường và làm tốt vai trò của Ban Kiểm soát, HĐQT và Ban Điều hành trong mọi hoạt động của ngân hàng.
Đại hội cổ đông thường niên SCB năm 2017 cũng đã bầu bổ sung một thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Thanh Hải thay cho bà Nguyễn Thị Phương Loan đã từ nhiệm vì lý do sức khỏe.
Một số hình ảnh tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2017:
Bản quyền © 2017 thuộc về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn. Đã Đăng ký bản quyền.