Search
19/07/2018

SCB phối hợp TBKTSG tổ chức tọa đàm doanh nghiệp nhỏ và tìm vốn “rẻ” ở đâu?

(TPHCM) Ngày 18-7-2018, tại Hội trường Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Quận 1, TPHCM, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn “rẻ” ở đâu?”. Tọa đàm đã thu hút hơn 150 người gồm: Quản lý doanh nghiệp, Diễn giả và phóng viên báo đài.

Tiếp cận nguồn vốn luôn là vấn đề tiên quyết và quan trọng của doanh nghiệp để khởi nghiệp, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đa phần các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có nguồn vốn chủ sở hữu thấp, luôn cần đến nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng. Tuy nhiên nhiều năm qua, các DNNVV gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tại buổi tọa đàm này Đại diện Ngân hàng SCB, chuyên gia đã tư vấn các cách thức tiếp cận vốn ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp đang đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế nhưng lại rất khó tồn tại và phát triển bền vững.

Cũng theo Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho rằng: Hiện nay, các quy trình, thủ tục vay vốn đã được các ngân hàng thương mại đã rút ngắn rất nhiều, do cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, nên khách hàng đã được chăm sóc tốt hơn và ngày nay ngân hàng cũng đã chủ động tìm đến khách hàng vay nhiều hơn. Ông Minh cũng cho rằng nhiều chủ doanh nghiệp không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu các hoạch định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Thêm vào đó, hiện tượng hai sổ sách kế toán, nhằm giảm mức thuế phải đóng cũng khiến cho ngân hàng ngần ngại khi cho doanh nghiệp vay vốn. Rất nhiều DNNVV hiện vẫn giữ hình thức này. Thực tế, việc hiểu rõ thực trạng hoạt động của doanh nghiệp qua hồ sơ kê khai thuế minh bạch là rất cần thiết để doanh nghiệp và ngân hàng có thể đi đường dài cùng nhau.

Ngay tại buổi tọa đàm, Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ SCB, cũng chia sẻ báo cáo về các DNNVV tại khu vực Đông Nam Á 2015-2017 của một tổ chức tư vấn quốc tế cho biết các doanh nghiệp có quy mô trung bình (100-499 nhân viên) có xu hướng tăng trưởng tốt. Trong khi các doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn với 46% doanh nghiệp bị lỗ. Cũng theo báo cáo trên 64% chủ doanh nghiệp thừa nhận thách thức lớn nhất trong điều hành là chi phí hoạt động gia tăng. Đồng thời gần 45% số chủ doanh nghiệp được hỏi cho rằng áp lực của dòng tiền thậm chí có thể làm chậm tốc độ của sự phát triển. Cần vốn là vậy nhưng “chính nhiều ông chủ của doanh nghiệp nhỏ ngần ngại vay ngân hàng, và thậm chí không tiếp cận với vốn ngân hàng vì cho rằng thủ tục phức tạp”, ông Huy nói thêm.

Về vấn đề này, Bà Hà Bích Phượng, Phó Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp SCB cho rằng tại SCB thủ tục vay vốn đã rất đơn giản, lãi suất cho vay của SCB dành cho doanh nghiệp nhỏ rất ưu đãi, chỉ khoảng 6,5%/năm cho khách hàng trong lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và SCB, còn lãi cho vay doanh nghiệp thông thường chỉ khoảng 8%, tài sản đảm bảo cũng đa dạng, mức cho vay lên đến 90% nhu cầu. DNNVV cũng sẽ được tư vấn tận tình để làm hồ sơ vay và ngân hàng cũng sẽ tư vấn những cách thức quản lý nguồn vốn sao cho hiệu qủa.

Còn theo chuyên gia tài chính Bà Vũ Thị Mỹ Linh, Giám đốc Báo cáo Tài chính, thuế, logistics, Ho Tram Project Company, The Grand Ho Tram Strip để tiếp cận được vốn ngân hàng một điều khiến doanh nghiệp nhỏ cần cải thiện chính là việc kiểm soát được dòng tiền, vì đây là điều cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Vì vậy theo Bà Linh, trong doanh nghiệp, ngoài việc chú trọng xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng, … thì một vấn đề không thể lơ là chính là quản lý đường đi của tiền, xem xét kĩ vấn đề tài chính trước khi thực hiện một phương án kinh doanh.

Về phía các ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới mô hình giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiện ích nhất cho doanh nghiệp trong giao dịch với ngân hàng, đặc biệt là giao dịch và quan hệ tín dụng ngân hàng. Ngân hàng cần tôn trọng điều kiện, nguyên tắc tín dụng, đồng thời đổi mới và chuẩn hóa thủ tục vay vốn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài vốn ngân hàng, TPHCM cũng có rất nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, nhiều khoản vay thành phố không tính lãi, hoặc hỗ trợ 50% lãi vay ngân hàng, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ… Theo Ông Đỗ Tấn Trúc, Trưởng phòng hỗ trợ DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhiều doanh nghiệp không biết rõ các chương trình này, do đó đã không tiếp cận các nguồn vốn rẻ này. Hiện tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng đang tư vấn, kết nối cho nhiều doanh nghiệp để tiếp cận vốn ngân hàng một cách dễ dàng hơn.

Ông Minh cho biết NHNN Chi nhánh TPHCM hiện tại đang thực hiện các chương trình, hoạt động như kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; Cho vay bình ổn thị trường; đối thoại doanh nghiệp và thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN Việt Nam nhằm tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận các nguồn vốn này chính tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn hoặc tìm hiểu thêm thông tin tại NHNN Chi nhánh TPHCM.

Ngay tại tọa đàm, nhiều đại diện doanh nghiệp đã đặt các câu hỏi về các thủ tục vay vốn, làm sao để tiếp cận vốn một cách hiệu quả, cũng như các gói ưu đãi vay dành cho các nhóm ngành nghề... Trong khuôn khổ tọa đàm, các doanh nghiệp đã nhận được những gợi ý về giải pháp tiếp cận nguồn vốn từ các chuyên gia và đại diện ngân hàng.

.……………………………………………………………………………………………

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Với vốn điều lệ 14.295 tỷ đồng và tổng tài sản 476.673 tỷ đồng, SCB tiếp tục giữ vững vị trí số một về tổng tài sản trong nhóm các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh. Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại, SCB đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại ứng dụng công nghệ cao, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hướng tới mục tiêu đạt 02 triệu khách hàng cá nhân vào năm 2020.

Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group)

Trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển suốt 27 năm, đồng hành với quá trình đổi mới nền kinh tế đất nước, tên tuổi Thời báo Kinh tế Sài Gòn nay đã định hình qua hai nhóm các ấn phẩm về kinh tế, kinh doanh, thị trường gồm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Sài Gòn Tiếp Thị, Sài Gòn Tiếp Thị Online, Thời báo Vi tính Sài Gòn và nhóm ấn phẩm bằng tiếng Anh hướng đến nhà đầu tư nước ngoài gồm Saigon Times Daily, Saigon Times Weekly.

Đồng thời nhóm báo cũng có nhiều câu lạc bộ để doanh nghiệp sinh hoạt, kết nối như câu lạc bộ 2030, câu lạc bộ bất động sản, câu lạc bộ kết nối, câu lạc bộ thị trường…






 

top